Một số quan điểm cho rằng sự sụp đổ của CNXH hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu, con đường đi lên CNXH ở Việt Nam đã lỗi thời, lạc hậu, tiếp tục con đường này là một sai lầm to lớn

Những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Liên Xô và Đông Âu đã từng bước rơi vào khủng hoảng và sụp đổ. Đó là “một chấn động chính trị khủng khiếp nhất thế kỷ XX” theo cách nói của Tổng thống Nga V.Putin trong Thông điệp Liên bang năm 2005.

Kể từ sau sự kiện gây chấn động lịch sử toàn thế giới đến nay đã gần 30 năm,các thế lực thù địch vẫn luôn ra sức tìm mọi cách lợi dụng xuyên tạc, công kích và phủ nhận chủ nghĩa Mác. đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Từ sau khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu sụp đổ, cách mạng thế giới lâm vào thoái trào thì vấn đề đi lên chủ nghĩa xã hội lại được đặt ra và trở thành tâm điểm thu hút mọi sự bàn thảo, thậm chí tranh luận gay gắt. Các thế lực chống cộng, cơ hội chính trị thì hí hửng, vui mừng, thừa cơ dấn tới để xuyên tạc, chống phá”

Từ sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, có không ít người, trong đó có cả những người cộng sản đã hoài nghi về sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đã xuất hiện những tư tưởng cơ hội đòi xét lại chủ nghĩa Mác, phủ nhận sự lựa chọn của Đảng Cộng sản Việt Nam vì họ cho rằng “với sự sụp đổ của CNXH hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu, con đường đi lên CNXH ở Việt Nam đã lỗi thời, lạc hậu, tiếp tục con đường này là một sai lầm to lớn”. Luận điệu trên là sai về khoa học và phản động về chính trị.

I. Chủ nghĩa xã hội hiện thực

CNXH hiện thực (Real socialism) là khái niệm dùng để chỉ một chế độ xã hội đã và đang tồn tại trên thực tế từ khi giai cấp công nhân thông qua đội tiền phong của mình là Đảng Cộng sản đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành được chính quyền. “Khái niệm chủ nghĩa xã hội hiện thực được nói tới ở đây có nội hàm là chủ nghĩa xã hội đã trở thành thực tế, đã ra đời, đang vận động, sinh thành và phát triển chứ chưa phải đã hoàn thiện, đã trưởng thành đầy đủ”

CNXH hiện thực ra đời ở nước Nga sau thắng lợi của cuộc Cách mạng XHCN Tháng Mười Nga (1917) vĩ đại. Trong điều kiện cực kỳ khó khăn và phức tạp: nền kinh tế lạc hậu lại bị tàn phá nặng nề trong Chiến tranh thế giới thứ I; nội chiến và chiến tranh can thiệp của 14 nước đế quốc; sự bao vây, cấm vận về kinh tế…

CNXH hiện thực
Ảnh minh hoạ

II. Sự phản khoa học của quan điểm.

1. Nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của CNXH hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu

Cương lĩnh năm 1991 của Đảng ta chỉ rõ: “Do duy trì quá lâu những khuyết tật của mô hình cũ của chủ nghĩa xã hội, chậm trễ trong cách mạng khoa học và công nghệ…” đã gây tình trạng trì trệ kéo dài và khủng hoảng. Ngoài ra, nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ, đó là, trong cải tổ, Đảng Cộng sản Liên Xô đã mắc những sai lầm rất nghiêm trọng về đường lối chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đó là đường lối hữu khuynh, cơ hội và xét lại, thể hiện trước hết ở những người lãnh đạo cao nhất. Cải tổ ở Liên Xô bắt đầu từ 1986 và kết thúc trong sự đổ vỡ hoàn toàn năm 1991. Đường lối cải tổ trượt dài từ cơ hội hữu khuynh đến xét lại, từ bỏ hoàn toàn chủ nghĩa Mác – Lênin, từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Từ chủ trương ban đầu là cải tổ kinh tế chuyển nhanh sang cải tổ về chính trị một cách vô nguyên tắc đã tạo điều kiện cho sự phát triển làn sóng “công khai”, “dân chủ”, “không có vùng cấm”, phủ định mọi thành tựu của CNXH, gây tâm lý hoang mang cực độ trong tư tưởng xã hội, phá vỡ niềm tin của quần chúng đối với CNXH. Ngoài ra, các thế lực quốc tế lợi dụng những sai lầm, khó khăn do khủng hoảng đẩy mạnh cuộc phản kích quyết liệt nhằm xóa bỏ các nước XHCN, thực hiện “diễn biến hòa bình” trong nội bộ Liên Xô và các nước Đông Âu.

2. Con đường đi lên CNXH của nước ta mang tính tất yếu và có sự khác biệt so với các nước TBCN và đối với sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu.

Một là, chủ nghĩa Mác – Lênin đã chỉ rõ sự thay thế giữa các hình thái kinh tế – xã hội trong lịch sử là hoàn toàn khách quan, tuân theo quy luật về mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Khi quan hệ sản xuất lỗi thời, trở thành xiềng xích của lực lượng sản xuất mới thì tất yếu nó bị lực lượng sản xuất mới phá vỡ nhằm thay thế bằng quan hệ sản xuất phù hợp hơn. Và phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa ra đời sẽ tiến bộ hơn, tất yếu thay thế phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã lỗi thời. C. Mác và Ph. Ăngghen đã chỉ ra: “Các lực lượng sản xuất mới đã vượt quá hình thức tư sản của việc sử dụng chúng; và sự xung đột ấy giữa các lực lượng sản xuất và phương thức sản xuất hoàn toàn không phải là sự xung đột sinh ra chỉ từ đầu óc người ta,… mà là có thật, khách quan, ở bên ngoài chúng ta, không phụ thuộc vào ý chí hoặc hành động của chính ngay những người đã tạo ra nó”. Vì vậy, “Chủ nghĩa xã hội hiện đại chẳng qua chỉ là sự phản ánh của sự xung đột có thật ấy vào trong tư duy, là sự phản ánh trên ý niệm của sự xung đột ấy, trước hết trong đầu óc của giai cấp trực tiếp chịu đau khổ vì sự xung đột ấy, tức là giai cấp công nhân”. Theo đó, tính tất nhiên là chủ nghĩa xã hội sẽ ra đời, phát triển trong lòng xã hội tư bản cũ đang sụp đổ.

Lý luận Mác – Lênin cũng chỉ ra hình thái kinh tế – xã hội cộng sản chủ nghĩa phải trải qua “một thời kỳ và hai giai đoạn”. Một thời kỳ là thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Hai giai đoạn: giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội; giai đoạn cao là cộng sản chủ nghĩa. Hình thái kinh tế – xã hội cộng sản chủ nghĩa sẽ phát triển cao hơn và khác về chất so với hình thái kinh tế – xã hội tư bản chủ nghĩa. Nhưng nó không tự phát hình thành mà thông qua vận động của các quy luật về kinh tế, xã hội, con đường đấu tranh cách mạng xóa bỏ áp bức, bóc lột của giai cấp tư sản để xây dựng xã hội mới. Đồng thời, chỉ rõ giai cấp công nhân là giai cấp có sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng vô sản để lật đổ giai cấp tư sản; giai cấp duy nhất có khả năng xây dựng và đại diện cho phương thức sản xuất tiến bộ hơn phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.

Hai làChủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với xu hướng của thời đại và thực tiễn cách mạng Việt Nam. Trong những năm bôn ba ở nước ngoài, Người đã tiếp cận chủ nghĩa Mác – Lênin, cùng giá trị nhân văn của xã hội chủ nghĩa hiện thực ở nước Nga để tìm ra con đường đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức, bóc lột, xâm lược, đô hộ của chủ nghĩa thực dân, phong kiến. Bởi vậy, muốn giành được độc lập cho dân tộc thì phải tiến hành con đường cách mạng vô sản và xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa. Người đã để lại di sản vô cùng quý báu cho cách mạng Việt Nam, đó là hệ thống quan điểm cơ bản về con đường, phương pháp cách mạng đấu tranh giành độc lập dân tộc và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Ngay khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn khẳng định: chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam. Năm 1930, trong Cương lĩnh chính trị của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương: “Tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo, tiến lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa”. Vào những năm cuối thế kỷ XX, mặc dù trên thế giới chủ nghĩa xã hội hiện thực đã bị đổ vỡ một mảng lớn, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa không còn, phong trào xã hội chủ nghĩa lâm vào giai đoạn khủng hoảng, thoái trào, gặp rất nhiều khó khăn, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định: “Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng (tháng 01/2011) trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), chúng ta một lần nữa khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử” Do vậy, những luận điệu cho rằng do chủ nghĩa Mác – Lênin đã sụp đổ, Đảng Cộng sản Việt Nam bị khủng hoảng về tư tưởng lý luận nên phải lấy “tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng” là không đúng.

Ba là, đường lối đúng đắn, sáng tạo hòa quyện “ý Đảng, lòng dân” về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay từ năm 1930, Chánh cương vắn tắt của Ðảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được Hội nghị thành lập Ðảng thảo luận, thông qua, tuy rất ngắn gọn, nhưng đã xác định rõ đường lối của cách mạng Việt Nam là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Từ đó, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trở thành mục tiêu chiến đấu nhất quán, xuyên suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng. Mỗi nhiệm kỳ Đại hội của Đảng là một chặng đường cách mạng có mục tiêu, đối tượng, yêu cầu, nhiệm vụ, kế hoạch khác nhau về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Thành quả đạt được của nhiệm kỳ trước đã tạo tiền đề, thuận lợi cho nhiệm kỳ sau. Năm 1991, Đảng đã đưa ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong đó chỉ ra sáu đặc trưng của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đến Cương lĩnh năm 2011 phát triển sáng tạo thành tám đặc trưng. Mỗi kỳ Đại hội đều chỉ ra tính đặc thù của thời kỳ quá độ ở Việt Nam, đánh giá những thành quả to lớn về xây dựng chủ nghĩa xã hội và khẳng định sự kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là hoàn toàn đúng đắn.

Bốn là, chủ nghĩa xã hội hiện thực ra đời đã thể hiện tính ưu việt hơn chủ nghĩa tư bản; sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu chỉ là sự đổ vỡ của một mô hình cụ thể. Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ không có nghĩa là sự sụp đổ của CNXH. Sau sự kiện Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, các thế lực chống CNXH ra sức rêu rao về “cái chết của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Mác-Lênin”. Song, cả trên phương diện lý luận và thực tiễn đã khẳng định, sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu chỉ là sự sụp đổ của mô hình CNXH, không phải là sự sụp đổ chung của CNXH với tư cách là mục tiêu, lý tưởng, là hình thái kinh tế – xã hội mà loài người đang vươn tới. Tương lai của loài người vẫn là CNXH, đó là quy luật phát triển khách quan của lịch sử. Cương lĩnh năm 1991 của Đảng đã khẳng định: “Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là cuộc đấu tranh giai cấp và dân tộc gay go, phức tạp của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Chủ nghĩa xã hội hiện đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử”

Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga sau là Liên Xô có thời gian chưa dài, nhưng đã giành được nhiều thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực. Liên Xô đã trở thành cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới (sau Mỹ) với sản lượng công nghiệp chiếm 20% tổng sản lượng công nghiệp thế giới. Năm 1957, Liên Xô là quốc gia đầu tiên phóng thành công vệ tinh nhân tạo. Năm 1961, phóng tàu vũ trụ đưa nhà du hành Gagarin bay vòng quanh trái đất mở ra kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người. Liên Xô là nước hàng đầu thế giới về trình độ học vấn của nhân dân với tỷ lệ dân số có trình độ từ trung học trở lên, có trên 30 triệu người “làm việc trí óc”, v.v. Rõ ràng, trong một thời gian ngắn, chủ nghĩa xã hội ra đời ở Liên Xô và nhiều nước xã hội chủ nghĩa tuy chưa hoàn thiện, nhưng đã phát triển lớn mạnh về nhiều mặt, khác hẳn về chất so với chủ nghĩa tư bản. Điều đó cho thấy, chủ nghĩa xã hội là một hiện thực, hoàn toàn không phải là “giấc mơ” cũng chẳng phải là “ảo tưởng”!

Hiện nay, các nước xã hội chủ nghĩa trong đó có Việt Nam đang tiến hành sự nghiệp đổi mới, cải cách đạt được những thành tựu hết sức quan trọng, vững chắc, được thế giới ngưỡng mộ. Mặc dù, chủ nghĩa tư bản đã trải qua những giai đoạn phát triển khác nhau, với sự điều chỉnh, thích nghi nhưng bản chất không bao giờ thay đổi, vẫn là xã hội áp bức, bóc lột, bất công. Chủ nghĩa xã hội tuy gặp phải khó khăn, khủng hoảng, song với những thành tựu ban đầu đã khẳng định tính chất ưu việt, tiến bộ hơn hẳn và tất yếu sẽ là tương lai của xã hội loài người. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nhân dân Việt Nam xuất phát từ những thành tựu mang tính tất yếu đó.

Năm là, Đảng Cộng sản Việt Nam có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, khả năng lãnh đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ra đời trong phong trào cách mạng của dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo toàn thể nhân dân Việt Nam làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhiệm vụ dân tộc với nhiệm vụ giai cấp. Từ năm 1954 đến 1975, Đảng lãnh đạo nhân dân ta thực hiện đồng thời và thắng lợi hai chiến lược cách mạng là đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Sau giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất, Đảng lãnh đạo cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Khi chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Đảng ta vẫn kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, kiên quyết thực hành đường lối đổi mới, giữ vững nguyên tắc, quyết “không đổi màu”.

Qua 35 năm tiến hành đổi mới, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta đạt được những thành tựu quan trọng có ý nghĩa lịch sử, trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, được bạn bè quốc tế thừa nhận. Sự thực ấy không thể xuyên tạc, bác bỏ. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đã khẳng định: “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực và vị thế như ngày nay.” Chắc chắn như vậy, Kinh tế nước ta duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao (khoảng 5,9%). Nhiều khó khăn, vướng mắc, hạn chế, yếu kém từ các năm trước đã được tập trung giải quyết và đạt những kết quả bước đầu. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện; kinh tế vĩ mô ổn định khá vững chắc; lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp. Trước tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, chúng ta đã coi trọng củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng và an ninh, chủ động xử lý thành công các tình huống, không để bị động, bất ngờ. An ninh chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Đặc biệc, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động mạnh đến nước ta, gây nhiều thiệt hại về kinh tế – xã hội, nhưng với sự nỗ lực cố gắng vượt bậc, đất nước đã đạt được những kết quả, thành tích đặc biệt hơn so với các năm trước. Trong khi kinh tế thế giới suy thoái, tăng trưởng âm gần 4%, kinh tế nước ta vẫn đạt mức tăng trưởng 2,91%, là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Đây là những gì không thể chối cải, nó thể hiện bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa và sự lãnh đạo đúng đắng của Đảng ta cùng với sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân.

CNXH hiện thực

III. Kết luận

Tóm lại, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta lựa chọn là con đường duy nhất đúng đắn bởi nó có đủ cơ sở lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác – Leenin và được thực tiển từng bước chứng minh là thích hợp.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắng, phù hợp với quy luật khách quan, với Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại;” Đất nước chúng ta sẽ tiếp tục tiến lên theo con đường này, đó là chân lý và là con đường để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn.

Trên cơ sở đó một lần nữa khẳng định: sự xuyên tạc và phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là vô căn cứ. Và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Nhân dân đã lựa chọn dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là hoàn toàn đúng; không một thế lực nào có thể ngăn cản được tinh thần cách mạng tiến công của nhân dân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *