Đề bài: Có quan điểm cho rằng: “ Nếu hiến pháp không được bảo vệ thì quyền con người, quyền cơ bản của công dân cũng không được bảo vệ ”. Em có đồng tình với quan điểm trên không? Vì sao? Hãy viết một bài luận để trình bày quan điểm của mình.
A. MỞ ĐẦU
Quyền con người, quyền cơ bản của công dân là những quyền cơ bản được ghi nhận trong các văn kiện quan trọng mang tầm quốc tế về quyền con người. Ở các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng thì quyền này cũng được ghi nhận trong Hiến pháp – văn bản pháp luật có giá trị pháp lí cao nhất và các văn bản pháp luật khác qui định về vấn đề này theo từng lĩnh vực của mình. Qua đó chúng ta thấy được quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, mối quan hệ của chúng với Hiến pháp là vấn đề quan trọng. Cũng có nhận định cho rằng: “ Nếu Hiến pháp không được bảo vệ thì quyền con người quyền cơ bản của công dân cũng không được bảo vệ”. Sau đây là quan điểm của em về nhận định trên.
B. NỘI DUNG
I. Giải thích quan điểm:
- Giải thích nhận định Nhận định cho rằng: “nếu hiến pháp không được bảo vệ thì quyền con người, quyền cơ bản của công dân cũng không được bảo vệ” nghĩa là nhận định đề cao vai trò của hiến pháp trong việc bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân và nhận định cũng khẳng định rằng hiến pháp là căn nguyên chứa đựng quyền con người, quyền cơ bản của công dân, bảo vệ hiến pháp chính là bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân Theo quan điểm của cá nhân em nhận định trên là hoàn toàn đúng
- Khái niệm:
* Hiến pháp:
– Hiến pháp là hệ thống các quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lí cao nhất quy định nhưng vấn đề cơ bản nhất về chủ quyền quốc gia, chế độ chính trị, chính sách kinh tế, văn hoá, xã hội, tổ chức quyền lực nhà nước, địa vị pháp lí của con người và công dân.
* Nhân quyền (hay còn gọi là quyền con người)
– Quyền con người được hiểu là những đảm bảo pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm những sự được phép và sự tự do cơ bản của con người.
* Quyền cơ bản của công dân
– Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là các quyền và nghĩa vụ được xác định trong hiến pháp trên các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa, là cơ sở để thực hiện các quyện và nghĩa cụ cụ thể các của công dân và cơ sở chủ yếu để xác định địa vị pháp lý cùa công dân.
II, Trình bày quan điểm
1, Quyền con người, quyền cơ bản của công dân được ghi nhân trong các bản Hiến pháp và Hiếp pháp 2013 nước CHXHCN Việt Nam
a, Hiến pháp năm 1946
– Hiến pháp năm 1946 là bản Hiến pháp coi trọng chế định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Bằng chứng là trong số bảy chương của Hiến pháp thì Chương về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân được xếp thứ hai. Một trong ba nguyên tắc xây dựng Hiến pháp là nguyên tắc đảm bảo các quyền tự do, dân chủ của công dân. Với Hiến pháp năm 1946, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, nhân dân Việt Nam được đảm bảo các quyền tự do, dân chủ. Điêu 10 Hiến pháp năm 1946 quy định: “Công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, quyền bình đăng của mọi công dân trước pháp luật được ghi nhận trong đạo luật cơ bản của Nhà nước. Và cũng lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, phụ nữ được ngang quyên với nam giới về mọi phương diện. Với bản Hiến pháp đầu tiên, công dân Việt Nam được hưởng quyền bầu cử, ứng cử, nhân dân có quyền bãi miễn các đại biểu mình đã bầu ra khi họ tỏ ra không xứng đáng với danh hiệu đó.
b, Hiến pháp năm 1959
– Ngoài những quyền mà Hiến pháp năm 1946 đã ghi nhận, Hiến pháp năm 1959 quy định thêm nhiều quyền mới. Ví dụ: Quyền của người lao động được giúp đỡ về vật chất khi già yếu, bệnh tật, hoặc mất sức lao động (Điều 32); quyền tự do nghiên cứu khoa học, sáng tác văn học, nghệ thuật và tiến hành các hoạt động văn hoá khác (Điều 34); quyền khiếu nại, tố cáo với bất cứ cơ quan nhà nước nào về những hành vi phạm pháp của nhân viên cơ quan nhà nước (Điều 29). Về quyền bình đẳng của phụ nữ với nam giới, Hiến pháp 1959 đã phát triển thêm một bước tiến mới và quy định rõ ràng cụ thể hơn.
c, Hiến pháp năm 1980
So với Hiến pháp 1946 và 1959 thì nhân quyền trong Hiến pháp 1980 ngày càng hoàn thiện và chặt chẽ hơn về kỹ thuật lập pháp. Quy định ở các Điều luật ngày càng cụ thể hơn, đồng thời tiếp thu có chọn lọc và kế thừa các quy định từ các bản Hiến pháp trước đó.Không chỉ là nội dung ngày càng hoàn thiện mà số lượng các điều khoản ở Hiến pháp 1980 cũng nhiều hơn so với bản Hiến pháp trước. Nếu trước đây, ở Hiến pháp năm 1946 chỉ có 18 Điều quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân thì ở Hiến pháp năm 1959 là 21 Điều và Hiến pháp năm 1980 là 29 Điều.
d, Hiến pháp năm 1992
– Hiến pháp 1992 được mở rộng hơn so với 3 bản Hiến pháp trước. Bên cạnh việc mở rộng quyền và nghĩa vụ của công dân còn tính đến khả năng thực thi của các quyền đó. Hiến pháp 1992 đã khắc phục một số hạn chế về tư tưởng chủ quan duy ý chí trong Hiếp pháp 1980 bằng các quy định phù hợp hơn với điều kiện kinh tế, xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Ví dụ, quyền sở hữu tài sản của công dân được ghi nhận một cách khái quát hơn (Điều 58)
– Trong bản Hiến pháp 2013 có 11 chương, 120 Điều. Trong đó, chương về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là chương có Điều luật nhiều nhất, gồm 36 Điều (từ Điều 14 đến Điều 49). Quyền con người được quy định trong chương II của Hiến pháp 2013, được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung và bố cục lại chương V của Hiến pháp năm 1992 (Quyền và Nghĩa vụ cơ bản của công dân). So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp sửa đổi năm 2013 bổ sung nhiều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
– Hiến pháp năm 2013 của chúng ta được coi là điểm sáng của vấn đề nhân quyền khi đưa vị trí chương “Quyền và Nghĩa vụ cơ bản của công dân” từ chương V trong Hiến pháp năm 1992 về chương II trong Hiến pháp 2013. Việc thay đổi vị trí nói trên không đơn thuần là sự thay đổi về bố cục mà là một sự thay đổi về nhận thức. Với quan niệm đề cao chủ quyền nhân dân trong Hiến pháp, coi nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực Nhà nước, thì quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân phải được xác định ở vị trí quan trọng hàng đầu trong một bản Hiến pháp. Không những vậy hiến pháp còn được bổ sung một số quyền mới, thể hiện bước tiến mới trong việc mở rộng và phát triển quyền, phản ảnh kết quả của quá trình đổi mới gần 30 năm qua ở nước ta. Đó là Quyền sống (Điều 19), Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác (Điều 20), Quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, Quyền được sống trong môi trường trong lành (Điều 43).
=> Ý nghĩa của việc qui định quyền con ngừơi và quyền công dân: Khẳng định quyền con người, qyền cơ bản của công là những quyền thiêng liêng cao cả không ai có thể phủ nhận được. Thể hiện sự tiến bộ của xã hội văn minh hiện đại và hơn hết là khi đưa quyền con người, quyền công dân vào công ước quốc tế hay hiến pháp chính là trực tiếp thừa nhận và đảm bảo các quyền này .
2, Mối liên hệ quyền con người, quyền công dân với Hiến pháp và vai trò của Hiếp pháp trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân
– Quyền con người, quyền công dân có mối quan hệ mật thiết, khăng khít và quyết định tới Hiến pháp, Hiến pháp có vai trò, chúc năng quy định và bảo vệ quyền con người, quyền công dân bởi:
+ Thứ nhất: Xuất phát từ bản chất của Hiến pháp: Hiến pháp vừa là văn bản có hiệu lực pháp lý tối cao, được coi là đạo luật gốc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành . Trong các bản hiến pháp trên thế giới từ trước đến nay hầu như đã ghi nhận một cách rộng rãi quyền con người, quyền cơ bản của công nhân. Không những vậy ở một số nước như Việt Nam, Hàn Quốc,… những quyền này còn được qui định một cách rõ ràng ngay trong chương hai của bản hiến pháp sau chương những qui định chung về nhà nước đã cho thấy tầm quan trọng của qyền con người trong hiến pháp và cho thấy sự thay đổi về nhận thức về vấn đề này. Việc qui định quyền con người trong hiến pháp như vậy sẽ giúp quyền con người được bảo đảm trong cả hệ thống pháp luật. Các văn bản pháp luật khác nếu không hợp hiến các văn bản ấy sẽ bị hủy bỏ và mất hiệu lực. Không những vậy việc qui định về quyền con người trong hiến pháp còn khảng định vai trò của nhà nước trong việc bảo vệ quyền con người. Điều này còn trực tiếp nhấn mạnh vai trò thiêng liêng không thể phủ nhận của quyền con người, quyền cơ bản của công dân trong xã hội ngày nay
+ Thứ hai: Hiến pháp ra đời do nhu cầu hạn chế quyền lực nhà nước và bảo vệ quyền con người, quyền quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Do vậy, Hiến pháp chính là công cụ pháp lí để bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân
+Thứ ba: Hiến pháp là công cụ pháp lý quan trọng nhất cùng các công cụ pháp lý khác để bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân:
Hiện nay có rất nhiều công cụ để bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Đó có thể là những công ước quốc tế, những bộ luật đề ra để bảo vệ quyền cong người , quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nhưng nếu không có hiến pháp thì những công ước quốc tế đó sẽ không bao giờ có thể đi vào hệ thống pháp lý của mỗi quốc gia nói cách khác hiến pháp giúp cụ thể hóa các công ước quốc tế về quyền con người vào hệ thống pháp luật quốc gia. Còn đối với các bộ luật, luật, văn bản dưới luật,… của mỗi quốc việc qui định về quyền con người trong hiến pháp sẽ là cơ sở bắt buộc tất cả những văn bản pháp luật dù ở lĩnh vực nào cũng phải tôn trọng quyền con người.
=> Từ đây có thể thấy được vai trò đặc biệt quan trọng của Hiến pháp trong việc bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Nhờ có hiến pháp mà quyền con người và quyền cơ bản của công dân được đảm bảo.
3, Ý nghĩa của Hiến pháp trong việc bảo vệ quyền con người quyền công dân
– Thứ nhất: Thể hiệ sự tiến bộ của xã hội cũng như của nhà nước
– Thứ hai: Việc đưa vấn đề quyền con người vào hiến pháp như là sự khẳng định trực tiếp của nhà nước về vai trò to lớn của những quyền này và khẳng định mạnh mẽ quyền này
– Thứ ba: Góp phần giúp nhà nước trở thành nhà nước dân chủ của dân do dân vì dân.
– Thứ tư: giúp việc bảo đảm quyền con người được tốt hơn.
=> Như vậy qua những phân tích ở trên ta có thể khẳng định nhận định: “Nếu hiến pháp không được bảo vệ thì quyền con người, quyền cơ bản của công dân cũng không được bảo vệ”. Là đúng và tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định trên vì hiến pháp sinh ra không chỉ để bảo vệ quyền lợi cho những giai cấp thống trị mà hiến pháp sinh ra cò để bảo vệ quyền lợi của nhân dân. Hiến pháp và quyền con người luôn là những yếu tố song hành cùng nhau nều không có Hiến pháp thì quyền con người sẽ không được công nhận và không được bảo đảm, nếu hiến pháp mà không có quyền con người thì hiến pháp sẽ không còn là một bản hiến pháp tiến bộ, không phù hợp với xu thế phát triển của xã hội và của thế giới vì vậy bảo vệ hiến pháp chính là bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Và trách nhiệm bảo vệ hiến pháp không phải của riêng một cá nhân hay một nhà nước nào mà cần sự chung tay của cả một xã hội, của tất cả những con người đang sống và làm việc theo qui định của hiến pháp và pháp luật của bất cứ quốc gia nào.
III, Tính thực tiễn của quan điểm
1, Cơ chế bảo hiến của Việt Nam hiện nay
– Theo quy địn tại Điều 119 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Mô hình bảo hiến ở nước ta là mô hình bảo hiến phi tập trung nhưng không hề giống mô hình bảo hiến phi tập trung của Hoa Kỳ hay của bất kì quốc gia nào trên thế giới. Theo quy định của hiến pháp năm 2013, Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến Pháp. Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan khác của nhà nước và toàn thể nhân dân có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp. Cơ chế bảo vệ Hiến pháp năm 2013 là mô hình bảo hiến khá độc đáo, đây là mô hình tất cả các cơ quan nhà nước và toàn thể nhân dân có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp. Tư duy về bảo hiến ở nước ta tuy giản dị nhưng cũng thật sâu sắc vì Hiến pháp của nhà nước cũng là của nhân dân, do nhân dân vì nhân dân nên trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp là trách nhiệm của tất cả các cơ qua nhà nước và của tất cả nhân dân.
2, Thể chế chuyển hóa bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp
– Để các quy định tiến bộ nêu trên của Hiến pháp năm thực sự đi vào cuộc sống, cần những bước đi cụ thể, rõ ràng. Trong đó, Nhà nước là chủ thể chính để thể chế hóa và thực thi những quy định của Hiến pháp trên thực tế. Thực tiễn cho thấy, chỉ trên cơ sở xây dựng và hoàn thiện pháp luật trên tinh thần và nội dung của Hiến pháp, quyền con người, quyền công dân mới có điều kiện tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm bằng cách đẩy mạnh việc bổ sung, sửa chữa và ban hành những bộ luật theo những quy định của Hiến pháp đã đề ra.
– Một vài ví dụ về quyền con người, quyền công dân trong bộ luật Hiến pháp:
+ Mọi người có quyện bình đẳng trước pháp luật (khoản 1 Điều 16).
+ Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội (khoản 2 Điều 16).
+ Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Khong ai bị tước đoạt tính mạng trái luật (Điều 19).
+ Quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với các cơ quan nhà nước các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước (khoản 1 Điều 28).
+ Quyền bầu cư và ứng cử vào các cơ quan quyền lực nhà nước là Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Việc thực hiện các quyện này là do luật quy định (Điều 27).
+ Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm (Điều 33).
+ Quyền được bảo về, chăm sóc sức khỏa (Điều 38).
+Quyền bình đẳng của phụ nữ đối với nam giới (Điều 26).
C, KẾT LUẬN
Trong một nhà nước dân chủ, nhân quyền vẫn luôn chiếm một vị trí trung tâm, được bảo vệ trước quyền lực của nhà nước. Do vậy, dù là ở hoàn cảnh nào thì nhân quyền luôn được đề cao thông qua việc được quy định cụ thể trong Hiến pháp và ngày càng được hoàn thiện hơn để phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, tình hình đất nước, và cả thế giới. Vì vậy có thể nói rằng Nếu hiến pháp không được bảo vệ thì quyền con người, quyền cơ cản của công dân cũng không được bảo vệ.